Đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử: là đồng hồ nước có bộ phận chỉ thị và một số hoặc tất cả các bộ phận cảm biến, tính toán, lưu trữ điện tử bao gồm các loại đồng hồ kiểu điện từ, siêu âm, vortex, coriolis… Để thiết bị luôn hoạt động ổn định và tránh sai sót đồng hồ cần được tiến hành kiểm định định kỳ theo quy định.
Theo quy định, đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử (đồng hồ nước) thuộc danh mục thiết bị bắt buộc phải kiểm định do Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành và thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ. Công ty cổ phần LDT là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ kiểm định đồng hồ đo nước lạnh có cơ cấu điện tử uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Vì sao phải kiểm định thiết bị?
• Đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của thiết bị,
• Kịp thời phát hiện hỏng hóc để ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra trong quá trình hoạt động,
• Chấp hành và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Điều kiện kiểm định
Khi tiến hành kiểm định phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
• Đồng hồ phải có quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo (nếu kiểm định ban đầu).
• Đồng hồ phải được lắp đặt vào hệ thống kiểm định theo đúng tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất. Các gioăng đệm không được lấn vào phần trong của ống dẫn.
• Đoạn ống thẳng phía trước và phía sau của đồng hồ phải có chiều dài không nhỏ hơn các giá trị quy định trong tài liệu hướng dẫn của nhà sản xuất và phải có cùng đường kính danh định với đồng hồ.
• Cho phép lắp nối tiếp nhiều đồng hồ có cùng đường kính danh định, số lượng đồng hồ phải đảm bảo sao cho lưu lượng của hệ thống kiểm định vẫn còn đạt được giá trị lưu lượng kiểm định của đồng hồ.
• Nước sử dụng để kiểm định đồng hồ phải là nước không lẫn tạp chất và có thể được lấy từ bể chứa trên cao, bơm từ đường ống dẫn hoặc bể nguồn của hệ thống kiểm định.
• Đồng hồ được kiểm định ở điều kiện nhiệt độ môi trường và nước không quá 40°C. Nhiệt độ của nước đo trên đường ống công nghệ tại vị trí lắp đặt đồng hồ.
• Trong thời gian tiến hành phép đo áp suất phía sau đồng hồ không nhỏ hơn áp suất khí quyển.
• Áp suất tối đa của hệ thống không được vượt quá áp suất làm việc lớn nhất của đồng hồ.
Đồng hồ nước cần được kiểm định định kỳ để đảm bảo kết quả luôn chính xác (ảnh minh họa)
Chuẩn bị kiểm định
Trước khi tiến hành kiểm định phải thực hiện công việc chuẩn bị sau đây:
Vận hành hệ thống kiểm định ở lưu lượng lớn nhất cho phép trong thời gian ít nhất là 15 phút để đảm bảo tách hết khí, cân bằng nhiệt độ trong hệ thống và đảm bảo hệ thống công nghệ không bị rò rỉ chất lỏng kiểm định.
Quy trình kiểm định
Khi tiến hành kiểm định đồng hồ đo nước lạnh có cơ cấu điện tử, tổ chức kiểm định phải thực hiện theo ĐLVN 251:2015 bao gồm các bước sau:
Bước 1: Kiểm tra bên ngoài
Phải kiểm tra bên ngoài theo các yêu cầu sau:
• Kiểm tra tính nguyên vẹn
– Đồng hồ phải đảm bảo nguyên vẹn, không có các vết nứt ở thân, vỏ và bộ phận chỉ thị.
– Bộ phận chỉ thị phải đảm bảo đọc được rõ ràng và chính xác.
• Kiểm tra nhãn mác và hồ sơ kỹ thuật
– Ghi nhãn;
– Ký hiệu và Q3;
– Bộ chỉ thị;
– Cơ cấu niêm phong kẹp chì của đồng hồ;
– Dấu hoặc quyết định phê duyệt mẫu của cơ quan quản lý đo lường.
Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật
Phải kiểm tra kỹ thuật theo các yêu cầu sau đây:
Kiểm tra độ kín: Cho nước chảy qua đồng hồ ở lưu lượng lớn nhất đạt được của hệ thống sau đó đóng van ở lối ra đồng hồ. Đồng hồ đạt yêu cầu nếu sau thời gian 1 phút không phát hiện sự rò rỉ nước ở đồng hồ.
Kiểm tra độ ổn định số chỉ khi dòng chảy dừng: đảm bảo hệ thống kiểm định điền đầy nước và van ở phía sau đồng hồ đóng kín, tiến hành quan sát số chỉ thị thể tích. Đồng hồ đạt yêu cầu nếu sau thời gian 10 phút số chỉ thị thể tích không thay đổi.
Bước 3: Kiểm tra đo lường
Đồng hồ được kiểm tra đo lường theo trình tự, nội dung, phương pháp và yêu cầu sau đây:
– Xác định các lưu lượng kiểm tra
– Xác định thời gian kiểm tra và thể tích nước kiểm tra
– Xác định sai số tương đối
– Yêu cầu về số lần xác định sai số
– Yêu cầu về sai số của đồng hồ
Lưu ý: Quy trình này được áp dụng trong lần kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định sau sửa chữa các đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử có cấp chính xác 1 và cấp chính xác 2. Quy trình này có thể áp dụng đối với đồng hồ kiểu cơ khí sản xuất theo ISO 4064-1:2014 (OIML R 49-1: 2013).
Thời hạn kiểm định
Đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử sau khi kiểm định nếu đạt các yêu cầu quy định theo quy trình kiểm định này được cấp chứng chỉ kiểm định (tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định…) theo quy định. Giấy chứng nhận phải ghi rõ phương pháp kiểm định (bằng bình chuẩn, bể chuẩn hay đồng hồ chuẩn).
Đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử sau khi kiểm định nếu không đạt một trong các yêu cầu quy định của quy trình kiểm định này thì không cấp chứng chỉ kiểm định mới và xóa dấu kiểm định cũ (nếu có).
Chu kỳ kiểm định của đồng hồ nước lạnh có cơ cấu điện tử: 36 tháng.